Tài Liệu

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

TỔNG QUAN VỀ CÂY SẮN


GIỚI THIỆU CÂY SẮN
1.Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn trên thế giới
Sắn (Manihot esculenta Crantz) hiện được trồng trên 100 nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) xếp sắn là cây lương thực quan trọng ở các nước đang phát triển sau lúa gạo, ngô và lúa mì. Tinh bột sắn là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn của hơn một tỷ người trên thế giới (www. TTTA. Food market, 2009). Đồng thời, sắn cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng tại nhiều nước trên thế giới và cũng là cây hàng hóa xuất khẩu có giá trị để chế biến bột ngọt, bánh kẹo, mì ăn liền, ván ép, bao bì, màng phủ sinh học và phụ gia dược phẩm.
Đặc biệt trong thời gian tới, sắn là nguyên liệu chính cho công nghiệp chế biến nhiên liệu sinh học (ethanol). Năm 2008, Trung Quốc đã sản xuất một triệu tấn ethanol, họ đã thoả thuận với một số quốc gia lân cận để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất ethanol. Tại Thái Lan, nhiều nhà máy sản xuất ethanol sử dụng sắn đã được xây dựng năm 2008. Indonesia đã lên kế hoạch sử dụng sắn sản xuất ethanol để pha vào xăng theo tỷ lệ bắt buộc 5% bắt đầu từ năm 2010. Các nước như Lào, Papua New Guinea, đảo quốc Fiji, Nigeria, Colombia và Uganda cũng đang nghiên cứu thử nghiệm cho sản xuất ethanol (TTTA. Outlook for 2009)
Diện tích, năng suất và sản lượng sắn trên thế giới có chiều hướng gia tăng từ năm 1995 đến nay (Bảng 1 dưới đây). Năm 2008, sản lượng sắn thế giới đạt 238,45 triệu tấn củ tươi so với 223,75 triệu tấn năm 2007 và năm 1995 là 161,79 triệu tấn. Nước sản xuất sắn nhiều nhất là Nigeria (45,72 triệu tấn), kế đến là Thái Lan (22,58 triệu tấn) và Indonesia (19,92 triệu tấn). Nước có năng suất sắn cao nhất là Ấn Độ (31,43 tấn/ha), kế đến là Thái Lan (21,09 tấn/ha), so với năng suất sắn bình quân của thế giới là 12,87 tấn/ha (FAO, 2008). Việt Nam đứng thứ mười về sản lượng sắn trên thế giới (9,38 triệu tấn).
Bảng 1. Diện tích, năng suất và sản  lượng sắn của thế giới từ năm 1995 – 2008
Năm
Diện tích
(triệu ha)
Năng suất
(tấn/ha)
Sản lượng
(triệu tấn)
1995
16,43      
9,84
161,79
1996
16,25      
9,75
158,51
1997
16,05     
10,06
161,60
1998
16,56     
9,90
164,10
1999
16,56     
10,31
170,92
2000
16,86   
10,70
177,89
2001
17,17      
10,73
184,36
2002
17,31       
10,61
183,82
2003
17,59      
10,79
189,99
2004
18,51    
10,94
202,64
2005
18,69       
10,87
203,34
2006
20,50      
10,90
224,00
2007
18,39      
12,16
223,75
2008
21,94     
12,87
238,45
Nguồn: Trần Công Khanh tổng hợp từ  FAOSTAT qua các năm.

2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cây sắn đã chuyển đổi vai trò từ cây lương thực thành cây công nghiệp với tốc độ cao, năng suất và sản lượng sắn đã tăng nhanh ở thập kỷ đầu của thế kỷ XXI (Bảng 2). Cây sắn là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân nghèo do sắn dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế nông hộ (Hoàng Kim và Phạm Văn Biên, 1997). Nghiên cứu và phát triển cây sắn theo hướng sử dụng đất nghèo dinh dưỡng, đất khó khăn là việc làm có hiệu quả cao (Hoàng Kim và Trần Công Khanh, 2005), đây là hướng hỗ trợ chính cho việc thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 177/2007/ QĐ-TT ngày 20 tháng 11 năm 2007.
Tại Việt Nam, sắn được canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh của các vùng sinh thái nông nghiệp. Diện tích, năng suất và sản lượng sắn Việt Nam qua các năm và phân theo các vùng sinh thái được thể hiện qua Bảng 2 và Bảng 3. Diện tích sắn nhiều nhất ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (168,80 ngàn ha). Tây Nguyên là vùng sản xuất sắn lớn thứ hai của cả nước, tập trung chủ yếu ở bốn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông. Năm 2008, diện tích sắn của Tây Nguyên đạt 150.100 ha, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 15,7 tấn/ha, tổng sản lượng 2,35 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với năng suất và sản lượng sắn của vùng Đông Nam Bộ (23,74 tấn/ha và 2,69 triệu tấn) (Tổng cục thống kê, 2009).
Bảng 2. Diện tích, năng suất và sản lượng sắn của Việt Nam giai đoạn 1995 - 2008
Năm
Diện tích   
(nghìn ha)
Năng suất
(tấn/ha)
Sản lượng         
( triệu tấn)
1995
164,30   
9,84
1,62
1996
275,60       
7,50
2,06
1997
254,40   
9,45
2,40
1998
235,50    
7,55
1,77
1999
226,80     
7,96
1,80
2000
234,90  
8,66
2,03
2001
250,00     
8,30
2,07
2002
329,90    
12,6
4,15
2003
371,70   
14,06
5,23
2004
370,00     
14,49
5,36
2005
425,50    
15,78
6,72
2006
474,80       
16,25
7,77
2007
496,80      
16,07
7,98
2008
557,40       
16,85
9,3
Nguồn: Trần Công Khanh tổng hợp từ Niên giám thống kê qua các năm.

Bảng 3. Diện tích, năng suất và sản lượng của các vùng sinh thái Việt Nam năm 2008
TT
Vùng sinh thái
Diện tích
(1000 ha)
Năng suất
(tấn/ha)
Sản lượng
(1000 tấn)
1
Đồng bằng sông Hồng
7,90
12,92
102,10
2
Trung du và miền núi phía Bắc
110,00
12,07
1.328,00
3
Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
168,80
16,64
2.808,30
4
Tây Nguyên
150,10
15,70
2.356,10
5
Đông Nam Bộ
113,50
23,74
2.694,50
6
Đồng bằng sông Cửu Long
7,40
14,43
106,80

Cả nước
557,40
16,87
9.395,80
Nguồn: Trần Công Khanh tổng hợp từ Niên giám thống kê qua các năm.

Về thời tiết, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên có sự phân biệt mùa mưa và mùa khô rất rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 05 và kết thúc vào cuối tháng 10 hàng năm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 04 năm sau. Do đặc điểm thời tiết của Vùng Đông Nam Bộ và Tây nguyên gần giống nhau nên lịch thời vụ trồng sắn của cả hai vùng sinh thái nói trên cũng được bố trí tương tự:
-    Thời vụ chính (khoảng 70% diện tích), sắn được trồng từ giữa tháng tư đến cuối tháng năm, thu hoạch từ đầu tháng một đến cuối tháng ba năm sau.
-    Thời vụ phụ (khoảng 30% diện tích), sắn được trồng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, thu hoạch từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 năm sau. Sắn trồng ở thời vụ cuối mùa mưa có hàm lương tinh bột thấp hơn so với thời vụ trồng đầu mùa mưa, diễn biến hàm lượng tinh bột của sắn trong năm được trình bày ở Bảng 4.
Bảng 4. Diễn biến về hàm lượng tinh bột sắn qua các tháng trong năm từ 1994 – 1997 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ
Tháng
Hàm lượng tinh bột (%)
Năm 1994
Năm 1995
Năm 1996
Năm 1997
Trung bình
Tháng 1

27,8
28,2
26,4
27,5
Tháng 2

28,8
29,3
26,5
28,2
Tháng 3

28,4
28,9
26,9
28,1
Tháng 4

22,1
24,3
25,1
23,8
Tháng 5

18,3
20,8
22,7
20,6
Tháng 6

-
-
21,7
21,7
Tháng 7

-
-
-
-
Tháng 8

-
-
-
-
Tháng 9

21,0
22,9
22,1
22,0
Tháng 10

21,5
22,8
25,3
23,2
Tháng 11
25,8
23,3
24,1
26,6
25,0
Tháng 12
27,0
24,8
24,3
28,6
26,2
Nguồn: Hoàng Kim, Trần Công Khanh và Diệp Phương Điền, 1998.

Nghiên cứu, sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) là định hướng đúng đắn trong việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch đã được thế giới quan tâm nghiên cứu sản xuất. Năm 2008, toàn thế giới đã sản xuất khoảng 66 tỷ lít ethanol, Mỹ hiện là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất thế giới đạt gần 34 tỷ lít. Năm 2012, Mỹ sẽ cung cấp trên 28 tỷ lít ethanol và diesel sinh học. Để khuyến khích sử dụng nhiêu liệu sạch, Chính phủ Mỹ đã thực hiện việc giảm thuế 0,50 USD/gallon ethanol, 1 USD/gallon diesel sinh học và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ sản xuất NLSH. Tổng thống đương nhiệm đã tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc dầu mỏ từ nước ngoài bằng cách đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển để tạo công nghệ mới sản xuất năng lượng sạch và NLSH.

Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) là liên doanh giữa Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và tập đoàn Itochu Nhật Bản đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol từ sắn tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với công suất chế biến 100 triệu lít/năm (dự tính sử dụng 230 nghìn tấn sắn lát khô/năm hoặc 575 nghìn tấn củ tươi/năm). Việc duy trì và nâng cao năng suất, sản lượng sắn của vùng nguyên liệu tại các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông, Tây Ninh là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết (nguyên liệu là sự sống còn của nhà máy). Do đó, Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam giới thiệu các thành tựu nghiên cứu chọn tạo giống và ứng dụng kỹ thuật vào canh tác sắn năng suất cao và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nhằm nâng cao tối đa năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Bài viết do Thạc sỹ Trần Công Khanh,
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm giống Hưng Lộc (IAS),
Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét